Văn hóa & Xã hội Đệ Nhất Cộng hòa (Việt Nam Cộng hòa)

Voi diễn hành nhân ngày Lễ Hai Bà Trưng năm 1957 Buổi lễ giải thưởng Văn chương Toàn quốc, 1961

Ngay trong những năm tháng đầu tiên, chính phủ cho lập Bộ Thông tin và Thanh niên, thay thế Bộ Thông tin và Chiến tranh tâm lý để quảng bố đường lối của chính phủ ở trong nước. Về mặt văn hoá, chính phủ chủ trương dùng tiếng Việt trong tất cả các bảng hiệu ngoài đường phố và nhất là trong trường học, bất kể công hay tư lập, thay vì trước kia những trường của cộng đồng người Hoa hoàn toàn không dạy tiếng Việt. Những sinh ngữ khác bị liệt là ngoại ngữ theo giáo trình.

Cũng trong chiều hướng này ngoài phong trào đòi ngoại kiều, nhất là Hoa kiều, nhập quốc tịch Việt Nam, Tháng Tư năm 1957 thì Chính phủ xét rằng tất cả thẻ lý lịch ngoại quốc trở thành vô hiệu[48] khiến bất cứ ai ngụ cư cũng phải chọn nhập tịch hoặc bỏ quyền lưu trú dài hạn ở Việt Nam.

Để đẩy mạnh tinh thần tự cường, bắt đầu từ năm 1955 ngày lễ Hai Bà Trưng được công nhận là một ngày lễ chính thức của quốc gia, thường có diễn hành rước voi từ Công trường Lam Sơn trước Quốc hội đến Dinh Độc Lập.[49] Ngày 11 Tháng Ba, 1962 thì Chính phủ cho khánh thành tượng đài Hai Bà Trưng ở Công trường Mê Linh, Sài Gòn do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu và điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế tạc hình để vinh danh Hai Bà.[50] Những ngày lễ khác là ngày quốc khánh, kỷ niệm ngày ban hành Hiến pháp vào 26 Tháng Mười 1956.[51] Ba ngày 26, 27, 28 tổ chức đốt pháo. Ngoài ra thông tư Phủ Tổng thống cũng cho biết tổng thống sẽ mặc quốc phục gồm áo dài màu lam và khăn xếp màu đen vào những ngày đại lễ.[52]

Năm 1957 thì hoàn tất Thư viện Quốc gia và Trung tâm Văn hóa ở Sài Gòn với dung tích chứa một triệu cuốn sách. Trung tâm văn hóa có ba thính đường: 1000, 500 và 200 chỗ ngồi. Việc xây cất cơ sở này được đề cao mặc dù ngân sách eo hẹp.[53] Cũng năm đó khánh thành Viện Đại học Huế, trường đại học công lập thứ nhì của Việt Nam Cộng hòa.[54]

Chính phủ cũng đẩy mạnh giáo dục ở trình độ đại học. Tổng số sinh viên đại học đạt 11.708 người vào niên khóa 1960-61. Ở Huế thì mở thêm Đại học Y khoa do chính phủ Canada trợ giúp qua Chương trình Colombo. Ở Sài Gòn thì lập phân khoa Dược khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn.[55]

Thời Đệ Nhất Cộng hòa cũng đề ra một số đạo luật khá đặc biệt, trong đó đáng ghi nhận nhất là Luật Bảo vệ Gia đìnhLuật Bảo vệ Luân lý. Luật Bảo vệ Gia đình do dân biểu Trần Lệ Xuân đề xướng vào cuối năm 1957 được ban hành Tháng Năm, 1958. Đạo luật này có hai điểm chính. Thứ nhất hôn nhân tại Việt Nam chỉ được có một vợ, một chồng, tức là hủy bỏ tục đa thê cũ.[56] Thứ hai thì vợ chồng khi đã lập hôn thú thì hôn nhân đó không thể bị hủy bỏ trừ khi chính tổng thống cứu xét và cho phép. Vì vậy, luật này người dân thường gọi là "luật cấm ly dị".[57] Ngoài ra đạo luật này chủ đích tạo cơ sở bình quyền nam nữ bằng cách cho người vợ được quyền mở trương mục ngân hàng, thừa kế và sở hữu tài sản riêng mà không phụ thuộc vào chồng.[56]

Luật Bảo vệ Luân lý ban hành Tháng Sáu, 1962 cấm một số việc như chọi gà, đánh bạc, đấu quyền Anh, ngừa thai, phá thai, mại dâm, thi hoa hậu, bói toán[58] và cả khiêu vũ. Điều cấm khiêu vũ gây nhiều chú ý vì luật không phân biệt người ngoại quốc hay người Việt và được báo chí Tây phương loan tải rộng rãi nên còn được giới bình dân gọi là "luật cấm nhảy đầm".[57] Tuy nhiên theo quan điểm của chính quyền bấy giờ là cần giảm thiểu ảnh hưởng văn hóa hưởng thụ khi tiền viện trợ của Mỹ bắt đầu làm chao đảo đời sống của dân thị thành.[59]

Ngành xuất bản thời kỳ này rất phát triển với nhiều ấn phẩm đa dạng diễn đạt nhiều luồng tư tưởng văn hóa như các tạp chí Sáng tạo, Văn hóa Ngày Nay, Bách khoa, Hiện đại, Nhân loại và Văn học. Các tờ báo Chính luận, Tự do, Ngôn luận, Sống, và Xây dựng thì chú trọng đến những tin chính trị và thời sự.[60]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đệ Nhất Cộng hòa (Việt Nam Cộng hòa) http://www.calitoday.com/news/view_article.html?ar... http://bimatcs.googlepages.com/ChienTranhHoa-Viet1... http://www.haingoaiphiemdam.com/Tham-khao/NH%C3%82... http://hienphap.com/?p=6 http://www.nsvietnam.com/online/binhluan/040509-tu... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://vietnamlawexpert.com/ http://viettouch.com/trungsis/ http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent... http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent...